Vai Trò của Người Việt Hải Ngoại trong cuộc biến động chính trị sắp tới tại Việt Nam!

Vai Trò của Người Việt Hải Ngoại trong cuộc biến động chính trị sắp tới tại Việt Nam !
 
 
Chủ nhật ngày 5 tháng 6 tại nhiều thành phố ở Việt Nam có những cuộc biểu tình phản đối Trung cộng tấn công một tàu dân sự của Việt Nam trong vùng biển của Việt Nam: Ngày 28/5/2011, ba chiếc tàu thuộc lực lượng duyên phòng của Trung Cộng xông thẳng vào, cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam đang khảo sát địa chấn trong thềm lục địa của Việt Nam.
Buồn cười là hai ngày trước khi có biến cố này, ngày 01/6/2011 toàn bộ guồng máy tuyên truyền của 700 tờ báo, hệ thống truyền thanh, truyền hình lề phải của Việt cộng đã được dùng để viết bài, hội thảo về 100 năm cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Theo biạ sử của cộng sản Việt Nam thì khi mới vừa 21 tuổi, ngày 05/6/1911, bác Hồ đã lên một chiếc tàu thủy tìm đường cứu nước. Nào là Hồ Chí Minh-Hành trình tìm đường cứu nước (Đài Truyền Hình VN), Bến cảng Sài Gòn - nơi mở đầu hành trình vĩ đại của Người (Dân Trí), Cuộc hành trình vì tương lai của dân tộc (Nhân Dân), Ngày khởi đầu cho cuộc hành trình vĩ đại (VietNamNet), Trăm năm - một hành trình (Người Lao Động), Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước mở ra hành trình giành độc lập, tự do cho dân tộc (SG Giải Phóng), v.v.
 
Sau 100 năm vịn vào bọn Tàu Cộng để chiếm chính quyền nhờ vào chiếc áo giành độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước, nay thì chính Trung cộng lại xâm lăng Việt Nam bằng mọi ngã: kinh tế, kỹ nghệ ... chúng đang thoanh toán dần dần đất nước Việt Nam.  Hành động khiêu khích trắng trợn ngày 28 tháng 5 của Tàu Cộng đã buộc nhà nước CSVN phải lên tiếng. Những cuộc biểu tình tại Saigòn, Hà Nội hay Nha Trang lần này dù đã được hô hào là tự phát thì ai cũng hiểu rằng CSVN không thề tiếp tục im lặng, đê hèn hơn được nữa. Nhưng bàn cãi, chống đối, phản kháng rồi đến tuần hành trong im lặng thì ngày 09/6/2011 TTXVN lại đưa tin nóng bỏng cho biết Trung Cộng lại cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Việt Nam.
 
Lần thứ hai này là một hành động  khiêu chiến, châm ngòi cho chiến tranh giữa hai quốc gia có một mẫu số chung là chính quyền vẫn còn nằm trong tay đảng cộng sản. Tóm lại, Trăm năm - một hành trình  của ông Hồ chỉ là những viên gạch lót đường cho Tàu cộng xâm chiếm Việt Nam.  
 
Trong hai cuộc biểu tình tự phát tại Hà Nội và Saigòn trước cửa của các cơ sở ngoại giao Tàu cộng, hàng trăm sinh viên thuộc thế hệ trẻ của Việt Nam đã hiện diện sau bức rào cản của công an Việt Cộng để hô những khẩu hiệu: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam thế hệ trẻ Việt Nam sẽ không hèn mạt nhường dù một tấc đất của tổ tiên cho Trung Cộng. Dĩ nhiên, vì đảng cộng sản Việt Nam còn nắm quyền, các em sinh viên phải đứng dưới màu cờ đỏ, sao vàng để tranh đấu. Thử xem, cái màu cờ này có bảo vệ cho các em không?
 
Trong vụ tàu Bình Minh 2 bị tàu tuần duyên cuả Trung cộng xông vào uy hiếp, những tờ báo đảng chính quy cuả đảng cộng sản Việt Nam như Nhân Dân, Đảng CSVN, Quân đội ND hoàn toàn làm ngơ và im lặng. Chỉ khác là Nguyễn Phương Nga - phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Việt Nam thay vì dùng chữ tàu lạ trong những vụ tàu Trung cộng uy hiếp tàu Việt Nam như trước đây thì lần này bà Nga gọi đích danh Trung Cộng là kẻ phá hoại:
Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này là hết sức rõ ràng. Việt Nam kiên quyết phản đối hành động của phía Trung Cộng phá hoại, cản trở hoạt động thăm dò, khảo sát bình thường của Việt Nam trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây thiệt hại lớn cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam.
 
Việt Nam yêu cầu phía Trung Cộng chấm dứt ngay, không để tái diễn những hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của mình, đồng thời bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam.
 
Việt Nam hoàn toàn bác bỏ tuyên bố ngày 28/5 của phía Trung Cộng. Cần làm rõ một số điểm như sau: Trước hết, khu vực mà Việt Nam tiến hành thăm dò hoàn toàn nằm trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Luật Biển 1982. 
 
Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp, lại càng không thể nói là khu vực do Trung Cộng quản lý. Phía Trung Cộng đang cố tình làm cho dư luận hiểu nhầm khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp.
 
Có nghĩa là lần này, Việt cộng không kêu gọi, năn nỉ, thiếu điều quỳ xuống van xin: Chúng tôi mong rằng Trung Cộng là một nước lớn thì sẽ thể hiện vai trò có trách nhiệm của một nước lớn và thực hiện đúng tinh thần tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Trung Cộng mà gọi đích danh Trung Cộng là kẻ phá hoại thì tình hình sau này có khác hơn không? Ngoài việc phản đối, bà Phương Nga còn to tiếng dọa sẽ kiện Tàu Cộng trước toà án quốc tế La Hague để đòi bồi thường thiệt hại. Do đó, có nguồn tin cho rằng những cuộc biểu tình tại Hà Nội và Saigòn chống Tàu cộng lần này là do nhà nước ta chủ động! Ngoài ra, sự phản kháng mạnh bằng miệng từ phía VN lần này không nhằm duy trì tinh thần hòa bình hữu nghị với 16 chữ vàng vì theo một nguồn tin chưa thể kiểm chứng, Tàu cộng gia tăng hằng trăm vụ bắt ngư dân, cướp của, tống tiền, đánh đập và tiếp tục giết ngư dân VN, ngay cả vụ tàu Bình Minh 02 vừa qua chỉ vì Việt cộng và Trung cộng đang đụng độ nhau trên biển Đông liên quan đến vấn đề chuyển vận ma túy. Ngư dân thiệt đang bị tình trạng ngư dân giả hiệu gây tai hại. Trung cộng muốn dằn mặt Việt cộng, muốn chiếm độc quyền thương vụ này trong đó vai trò trọng tài của chú Sam vàø Hạm đội Thứ Bảy không phải là không quan trọng. Nhưng đó là chuyện đá ngầm dưới biển. Chuyện chính trị Việt Nam sắp nổi gió thì lại là chuyện khác. 
 
Tuần trước một lời kêu gọi biểu tình trước các cơ sở ngoại giao cuả Tàu cộng các trang mạng phát tán nhanh như một bệnh dịch trên toàn bờ cõi Việt Nam ra đến hải ngoại do Nhật Ký Yêu Nước (NKYN) với hơn 400 chữ ký, đa số là thanh niên trẻ đề nghị. Chỉ cần vào Google đánh Kêu Gọi Tuần Hành Ôn Hòa đã cho thấy 3.820.000 lần kết quả, một con số thật cao chưa từng thấy cho người Việt. Nhưng kết quả số người xuất hiện trong hai cuộc biểu tình tại Hà Nội là Saigòn không đáp ứng được sự chời đội của một cuộc cách mạng; tuy tin tức phe ta cho biết có hàng ngàn người hiện diện nhưng theo hãng thông tấn AFP của Pháp thì số người hiện diển chỉ có khảng 300 người. 
 
Theo một số diễn đàn dân chủ thì cuộc biểu tình không thành công là do nhà nước ta không những không bật đèn xanh mà vẫn còn cấm đoán. Theo báo Dân Luận thì  Tổng công ty Du lịch thành phố Saigòn (tên tiếng Anh là Saigon Tourist) đã tổ chức cuộc họp khẩn cho các cán bộ đầu ngành của tất cả các Khách sạn, Nhà hàng trực thuộc Tổng Công ty này để công bố ý kiến chỉ đạo của Thành Ủy, UBNDTP và Sở Công An thành phố thông qua ông Trần Hùng Việt (Tổng Giám Đốc Cty) và bà Thượng Mỹ An (Bí thư Đoàn TNCSHCM Tổng Công ty) là toàn bộ cán bộ, công nhân viên của  tổng công ty ngày 5/6/2011 phải hạn chế ra đường (nếu không có việc gì quá cần thiết thì nên ở nhà) vì có cuộc biểu tình chống Trung Cộng về vấn đề Biển Đông.
 
Nhưng cũng theo nguồn tin đáng tin cậy này cho biết, tổng công ty này không khuyến khích hay ngăn cắm biểu tình. Nghĩa là, nhà nước ta sẽ mắt nhắm mắt mở cho người Việt biểu tình ôn hòa để làm áp lực với Tàu cộng. Tổng công ty Saigòn Tourist là Doanh nghiệp nhà nước, nghĩa là tất cả việc bổ nhiệm, điều động nhân sự đều do UBNDTP quyết định sau khi có ý kiến từ Thành ủy. Tuy nhiên, trong khi tin phát tán trên Internet kêu gọi giới trẻ đi biểu tình chống Tàu cộng thì những các trường đại học Việt Nam ra Thông báo dọa đuổi học sinh, sinh viên tham gia biểu tình chống TC .
 
Nhưng bản tin trên đài BBC rất đáng để chúng ta suy ngẫm:
(Trích): 
 Chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn nhiều kế hoạch biểu tình tương tự trong quá khứ vì không muốn quan hệ với nước lớn láng giềng bị ảnh hưởng, cũng như ngăn chặn việc các thế lực xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân.
 
Tuy nhiên cho tới lúc này, các chỉ dấu cho thấy một cuộc tụ họp có thể sẽ được phép diễn ra để biểu thị sự phẫn nộ của dư luận xã hội Việt Nam trước các động thái ngày càng mạnh bạo của Trung Cộng.
 
Nhiều cá nhân, tổ chức của Việt Nam bằng cách này hay cách khác cũng đang tìm cách bày tỏ thái độ của mình trước hành xử ngang ngược của Trung Cộng.
 
Một nhân viên của Công ty Du lịch Côn Đảo Explorer tại Vũng Tàu cho BBC hay gần một tuần nay, công ty này đã từ chối nhận đặt tour du lịch cho người Trung Cộng.
 
Công ty Côn Đảo Explorer đang tiếp thị gói du lịch Khám phá Côn Đảo 3 ngày 2 đêm, nhưng tuyên bố ngay trên website của mình rằng họ không nhận tour đối với những người mang quốc tịch Trung Cộng.
 
Nhân viên công ty nói không rõ lý do là gì, nhưng đó là quyết định của lãnh đạo.
 
To lớn và xấu tính 
 
Vào tháng Tư, một thanh niên đã đi xe máy tới vườn hoa đối diện Đại sứ quán Trung Cộng trên phố Hoàng Diệu, Hà Nội, tung băng rôn mang dòng chữ chống lệnh đánh bắt cá của Trung Cộng tại Biển Đông rồi châm lửa đốt chiếc xe máy của mình.
 
Được biết chiếc xe nhãn hiệu Wave này sản xuất tại Trung Cộng.
 
Người thanh niên bị an ninh giải đi ngay sau đó, nhưng đoạn video quay cuộc phản kháng ngắn gọn và mạnh mẽ này đang được lưu truyền trên các trang mạng.
 
Đang có kêu gọi biểu tình phản đối Trung Cộng ngày Chủ nhật tới. 
 
Làn sóng chống Trung Cộng ở Việt Nam cũng đang thu hút sự chú ý của báo chí nước ngoài.
Báo Financial Times, một tờ báo lớn và có uy tín tại Anh Quốc, vừa có bài bình luận của tác giả David Pilling nói ngay cả chính phủ Việt Nam nay cũng phải lên tiếng tỏ rõ thái độ với nước láng giềng to lớn và xấu tính.
 
Bài báo dẫn lời Brantly Womack, Giáo sư chính trị học tại trường đại học Virginia, nói Việt Nam có một quan hệ bất cân xứng với Trung Cộng.
 
Theo Giáo sư Womack, quan hệ này gần giống như cơ chế các nước chư hầu mỗi năm phải triều cống cho Trung Cộng. Phải tỏ ra lễ phép và thần phục thì mới được yên thân. Cách hành xử với Việt Nam của Trung Cộng là tìm cách thiết lập một cơ chế quan hệ chư hầu cho thời nay.
 
Vị giáo sư này nhận xét ngoài Ấn Độ và có thể Nhật Bản, tất cả các nước Á châu đều có quan hệ bất cân xứng với Trung Cộng, và bởi vậy, Bắc Kinh cũng đang lần lượt gây rắc rối với các nước này.
 
Theo bài báo trên Financial Times, về ngắn hạn, sự hung hăng của Trung Cộng dường như phản tác dụng vì nó khiến các nước nhỏ tìm đến nhau cũng như xích lại gần Hoa Kỳ. Tác giả David Pilling nói chính vì sự phản đối mạnh mẽ lần này của Việt Nam, chủ đề Biển Đông sẽ thống lĩnh chương trình nghị sự của Diễn đàn An ninh Đối thoại Shangri-La cuối tuần này. Nhận định của cây bút Financial Times là trong khi sức mạnh hải quân của Trung Cộng đang lên thì ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ suy giảm và sớm muộn gì các nước như Philippines và Việt Nam sẽ phải đạt được dàn xếp nào đó với Trung Cộng và họ biết điều này. (ngưng trích)
 
Bản tin của đài BBC trên có hai chi tiết: 
1. Ngăn chặn việc các thế lực xấu lợi dụng lòng yêu nước của người dân.
2. Việt Nam có một quan hệ bất cân xứng với Trung Cộng: Phải tỏ ra lễ phép và thần phục thì mới được yên thân.Cách hành xử với Việt Nam của Trung Cộng là tìm cách thiết lập một cơ chế quan hệ chư hầu cho thời nay.
 
Các thế lực xấu này không ai khác hơn là những tổ chức hải ngoại không cùng quan điểm chính trị với đảng cộng sản Việt Nam. Tóm lại, dù Việt Nam mất hay còn thì người Việt không cùng chính kiến với đảng cộng sản không được tham gia tranh đấu để cứu nước. Điều đó cho thấy, nếu muốn cứu nước, giữ gìn lãnh thổ thì người Việt hải ngoại không có một chọn lựa nào khác hơn là phải lật đỗ đảng cộng sản Việt Nam.
 
Đọc lời nhận xét của một vị giáo sư về chính trị học Hoa Kỳ về mối quan hệ bất cân xứng của Việt cộng với Trung cộng thì nếu không muốn sống hèn, sống nhục như các bạn trẻ tham dự cuộc biểu tình chống Trung cộng hô hào mà hình ảnh được phát tán trên Internet thì người dân Việt không có một chọn lựa nào khác hơn là phải lật đổ đảng cộng sản Việt Nam.
 
Trong hai tuần qua, tiếc thay những diễn đàn của người Việt hải ngoại lại được dùng để bàn về cái ngôi sao màu vàng lọt một cách khó hiểu vào huy hiệu của ngành CTCT trong thiệp mời đại hội của ngành này. Buồn mênh mông là vì thế! Thay vì là một lực lượng chủ lực về tài lực, về nhân lực để xây dựng đất nước thì khối người Việt hải ngoại lại được ... đặt bên lề. Do sự ngu xuẩn của đảng cộng sản Việt Nam trong việc đào sâu hố chia rẻ Bắc-Nam, quốc-cộng ở hải ngoại và bây giờ là sự giàu nghèo ở trong nước? Do người Việt hải ngoại chỉ lo chiến đấu với bạn hơn với kẻ thù? Chỉ biết là vận mệnh nước Việât nếu không có một phép nhiệm màu nào đó xãy ra thì không biết làm sao có thể thay đổi được?
 
Thế giới chính trị quả thật là khó hiểu cho những người dân nhược tiểu. Đi biểu tình chống ngoại bang xâm lược thì lại sợ nhà nước chưa bật đèn xanh, giã vờ làm ngơ cho dân yêu nước rồi sau đó, khi cần lấy lòng vương triều thì lại bị bắt vì tội liên lạc với các thế lực yêu nước. Nhưng nhà nước ta có thể phải theo Tầu cộng vì há miệng... nhả ra những thứ đã nuốt vào thì tiếc nhưng ép dân theo mình thì cũng khó. Ngày nay, giới trẻ trong nước học đòi theo Mỹ, cả nước OK, bye bye, nghe nhạc Mỹ, theo thời trang của Mỹ chứ có theo Tàu đâu. Cán bộ cộng sản đã biết giá trị của một nền giáo dục thực, học thật, bằng cấp thật nên thập niên trước, người Việt tự do vượt biên tị nạn cộng sản thì cán bộ cộng sản ngày nay phải cho con ... vượt biên để tị nạn giáo dục. Gần thì Singapore mà xa thì là Hoa Kỳ chứ ít khi nghe Việt cộng cho con qua Trung Cộng hay Liên Xô như thời ... chưa ăn cướp tức thời bao cấp, tem phiếu làm chuẩn. Hiểu Việt cộng thì chắc người Việt hải ngoại không hiểu bằng người dân sống trong lòng chế độ. Theo lịch sử đảng thì 100 năm trước đây bác Hồ lên tàu đi Tây. Nhưng sau đó bác lại theo Nga, theo Tàu để ... cứu nước. Ngày nay, qua tâm tình của con cháu bác, người dân Việt mới biết rằng:
Từ thành phố này người đã ra đi
Sau bao mánh mung, gian trá đã trở về.
 
Từ năm 1955, bác đã ký hiệp ước với Tàu cộng để dời biên giới. Bây giờ thì con cháu Bác bán tiếp đất, biển cho Tàu cộng thì cũng là noi theo nguyện vọng mánh mung của bác: bằng mọi cách để được nắm chính quyền. Nắm được rồi thì phải nắm dài, nắm gọn, nắm chắc, dù càng nắm, càng xìu, càng dỡ, nên càng phải gian manh, tàn bạo, vô nhân.
 
Trong số này, quí độc giã sẽ được đọc bài viết của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước viết về tình hình chính trị bế tắc của đảng cộng sản Việt Nam trước thái độ hung hãn của đế quốc Tàu cộng cũng như vai trò quan trọng của người Việt hải ngoại trong giai đoạn này. Thời gian tới đây sẽ là thời điểm mà vận mạng nước Việt sẽ được quyết định. Ứớc mong rằng khi ý thức được điều này, chúng ta có thể tạm gác những bất đồng, những hố sâu do thực dân, do cộng sản gây ra để bắt tay xây dựng đất nước. Có người còn ví von về tình trạng bất ổn hiện nay ở Việt Nam giống như những ngày miền Nam sắp đổi chủ. Vì không phải bọn cán bộ cộng sản nào cũng có thể dấu diếm tiền ở ngoại quốc hay có phương tiện để ra khỏi nước. Biến cố chính trị nào sắp tới cũng sẽ gây xáo trộn mà chúng sẽ là những điểm nóng đầu tiên. Vấn đề là chúng ta nên tự hỏi nếu có tiếng gọi của quê hương và dân tộc thì từng cá nhân, chúng ta phải làm gì?
 
Hoàng Dược Thảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét