Lê Đức Thọ: Tội Phạm Chiến Tranh

Lê Đức Thọ: Tội Phạm Chiến Tranh
Trần Nhu



Có nhiều bạn hỏi về Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng của ông Lê đức Thọ. Nhân buổi phỏng vấn của anh Tường Thắng về vấn đề này, tôi xin trích dẫn một số trang trong cuốn "Tinh Thần Phật Giáo Nhập Thế" (Chương 2 " Phật Giáo Miền Bắc bị  triệt tiêu dưới chế độ Hồ chí Minh" Tập I - Nguồn Sống, 2005).
Đến đây cũng xin mở ngoặc nói qua về nhân vật Lê  Đức Thọ. Chúng ta cũng không nên quên rằng tên tuổi của Lê Đức Thọ được cả thế giới biết đến từ khi có hội nghị Paris. Hình ảnh Lê Đức Thọ được sánh  ngang với Henry Kissenger trên các tờ báo lớn và được in trong những cuốn tự điển bách khoa ở các mục danh nhân thế giới như Socrate, Michel-Ange, Descartes, Beethoven, Pasteur, Einstein de Broglie, Churchill, Chaplin, W. Disney, Montessori,  Faulkner, B. Russell, Eisenhower vân vân. Họ là những người có công lớn với nhân loại. nhưng Lê Đức Thọ là một trong số những nhân vật vĩ đại đó sao?  Người ta nêu tiểu sử tóm tắt của Thọ và nhấn mạnh về công trạng tìm kiến hoà bình cho cuộc  chiến tranh Việt Nam trong cuộc hoà đàm Ba Lê với ngoại trưởng Hoa kỳ Henry Kissenger và cả hai được trao giải thưởng Nobel hoà bình.

Thật mỉa mai cay đắng, đáng xấu hổ làm sao? Một tên tội phạm chiến tranh lại được giải thưởng Nobel hoà bình! Sự kiện rõ ràng mà cả đảng cộng sản Việt Nam đều biết là Thọ và Duẩn chủ động đưa quân vào  cưỡng chiếm miền Nam. Tiếp sau đó đưa 200.000 quân Việt Nam vào chiếm Campuchia và ở lì đất Chùa Tháp 10 năm. Liên minh Thọ Duẫn chủ trương cuộc xâm lăng này; trong đó Thọ vừa là kẻ khởi xướng, vừa là kẻ thực hiện. Đó là một cuộc chiến  tranh không tuyên bố vì quốc hội không được hỏi ý kiến về cuộc chiến tranh này. Quốc hội là "cơ quan quyền lực tối cao của quốc gia". Theo lẽ thường là như  vậy, nhưng ở Việt Nam nó chẳng có quyền gì cả. Quốc hội do đảng nặn ra, là tay sai của  đảng. Các phần tử trong quốc hội cộng sản là một bọn ngu đần, mang đầu óc nô lệ, cứ cúi đầu khép nép như một bầy đầy tớ ngoan trước ông chủ.
Nên cần phải minh định rằng cuộc chiến tranh ở  Campuchia là cuộc chiến tranh của đảng Cộng sản Việt Nam, không phải là cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam.

Cuộc phưu lưu quân sự được tiến hành theo ý riêng và chỉ đạo của Lê Đức Thọ, làm cho khoảng trên 52.000 lính Việt Nam chết trận, 20.000  lính bị thương, chẳng những thế nó còn làm cho dân tộc Việt Nam bị  nhục nhã trước thế giới trong bộ mặt kẻ xâm lăng, bị tẩy chay, bị trừng phạt  (cấm vận).

Thọ đáng nhẽ ra phải ra đứng trước vành móng ngựa  toà án quốc tế về tội phạm chiến tranh. Thọ không những chỉ gây tang tóc cho nhân dân Việt Nam, mà y còn gây ra cảnh nồi da sáo thịt trong đảng Cộng sản  Việt Nam, với cái chiêu bài chống chủ nghĩa xét lại. Việc Thọ làm nhiều người biết là sai quấy, nhưng ai mà dám cả gan phê bình Thọ. Hơn nữa, vào thời  điểm ấy, chiến dịch thanh trừng, với danh nghĩa là bài trừ các tổ chức phản cách mạng và nhóm xét lại  đang diễn ra. Thiếu tướng Hoàng Minh Chính, Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh đệ nhất bí thư của Hồ Chí Minh vân vân... họ là những người cộng sản không làm  điều gì sai trái với Đảng cả, và hiển nhiên không phải thành phần chống đảng, họ bị  mật vụ của Thọ bắt giữ, nhưng không một ai lên tiếng bênh vực họ, kể cả Hồ Chí Minh, ra mặt bênh vực. Làm như vậy,   chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này: tôi là thành  phần xét lại đây.

Tâm tư các đảng viên cộng sản hoang mang từ ngày cải  cách ruộng đất, nên thường khi gặp sự trái tai, họ chỉ còn biết im lặng hay làm ngơ cho vì sự sống còn của bản thân, gia đình, họ buộc phải nói  dối. Đó là phương cách duy nhất để giữ nồi cơm và mạng sống, vì thế họ cân nhắc kỹ lưỡng, không có lựa chọn nào khác. Cái mũ phản động, chống đảng, gián điệp  đến ngày nay đảng cộng sản vẫn còn giữ thói quen chụp mũ nhiều trí thức yêu nước  chỉ vì nói khác đảng. "U tối" tương ứng với "tàn bạo", "văn minh" tương ứngvới "trí tuệ", nền dân chủ tương ứng với kiến thức khoa học, kỹ thuật. Chủ  nghĩa Lê-nin, chế độ cộng sản kiểu Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh tương ứng với kiến thức xã hội phong kiến lạc hậu. Chính sự thiếu kiến thức này  xô đẩy họ vào con đường chuyên chế tàn bạo. Chế độ cộng sản hà khắc hơn ở  các xứ kém mở mang, trình độ dân trí thấp, lạc hậu, nghèo đói. Xét về đại thể giữa trình độ phát triển và trình độ dân trí như ở Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc  chẳng hạn và so sánh với Tầu, Việt Nam, Cao Miên, Bắc hàn, thì Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức có  một truyền thống tranh đấu cho tự do trong lòng dân chúng, và kinh tế cũng mở mang sớm, tân tiến hơn, vì thế ít hà khắc.

Những yếu tố trên tạo thành căn bản xã hội, và ta  không lấy làm ngạc nhiên khi thấy uy quyền của các cá nhân lãnh tụ cộng sản ở các xứ kém phát triển kinh tế, nổi bật hơn ở các nước văn minh. Ở những xứ này,  sự sùng bái cá nhân còn tệ hơn cả thời kỳ phong kiến, và bạo lực thường được dùng để đề cao các lãnh tụ. Họ cho rằng chỉ có súng và nhà tù mới ngăn chặn được các cá nhân khỏi bị các tư tưởng, khuynh hướng khác chi phối. Nên họ  chủ trương sử dụng vũ lực với dân chúng. Như người luyện thú vật, dùng roi vọt, cùm xích để uốn nắn, rèn luyện phẩm cách công dân. Chính quyền phải  luôn luôn cầm sẵn mã tấu trong tay, hơi có nghi ngờ là phạt ngay và phạt không nương tay. Nhưng bất đồng tư tưởng tuyệt đối không được dung thứ. Không một ai được công khai ngờ vực cái định chế hiện hữu, những ý kiến bất đồng  bị dìm ngày càng sâu. Nhân cách cũng như sự dồn nén tâm lý sẽ dẫn đến sự huỷ hoại đời sống tâm linh rất nặng nề bởi các mâu thuẫn được giải quyết bằng  súng và nhà tù. Họ không chỉ giới hạn vào những biểu thức diệt ngầm "đóng cửa" bảo  nhau bằng súng.

Họ tự mình đặt ra những luật lệ và cưỡng bách dân thi hành các điều khoản bằng hình thức các sắc luật và nghị định, nghị quyết của Ban chấp hành trung ương đảng, Bộ chính trị. Tuyệt nhiên không có các  cuộc tranh luận, bàn cãi trong đảng, cũng như quốc hội, chính phủ, các cơ quan công quyền, các ngành. Tất cả các phương tiện đời sống quốc gia, dân tộc  đều bị ràng buộc vào một mối giáo dục, văn hoá, nghệ thuật, nếp sinh hoạt đều trong một  chiều hướng qui định.  Bộ chính trị ôm đồm tất cả toàn bộhoạt động xã hội, mà cái "trục" của nó là "Ban  tổ chức trung ương đảng". Nơi đây mới chính là trung  tâm quyền lực tối cao, một thứ quyền lực ngầm, một thứ quyền lực ghê gớm, được  gọi không quá đáng là mafia.

Nó tác oai, tác quái trong mấy thập niên qua, nhưng vẫn giấu mặt. Nó kiểm soát cả đảng, chính phủ lẫn quốc hội, quân đội,  công an, mật vụ. Nó nắm toàn quyền sinh sát, giải giới bất cứ thành viên nào trong  đảng và chính phủ, quốc hội, các tướng lãnh cao cấp trong Bộ quốc phòng, Bộ tổng tham mưu, nếu nó muốn. Nó hạ bệ, hoặc đưa ai lên chức vụ Tổng bí  thư, chủ tịch nhà nước, đại tướng tổng tư lệnh, nếu nó muốn. Nó vượt trội tất cả các loại mafia ở các xứ khác ở chỗ nó nắm chính quyền, quân đội, công an trong tay, còn mafia ở các nước Phương Tây như Ý, Mỹ... chỉ là thứ quyền lực gia đình, phe nhóm, ảnh hưởng chi phối phần nào chính phủ của nước họ mà thôi. Đằng này nó nắm quyền lực tuyệt đối, nó hoạt động chính trị và can  thiệp vào công quyền, nhưng bí mật kín đáo.
Bạn có thể đặt câu hỏi: Nó là gì mà ghê gớm thế?  Xin tạm thưa rằng nó gồm một số ban bệ, mà không mấy người biết đến, như Ban kiểm tra trung ương đảng thời Lê Đức Thọ do Trần Quyết làm trưởng ban, Ban nội  chính trung ương đảng do Hoàng Thao làm trưởng ban, Ban bảo vệ bộ chính trị do xếp Nguyễn Đình Hưởng, Ban chỉ đạo trung ương đảng do xếp lớn Nguyễn  Đức Tâm, còn Ban bảo vệ đảng đứng đầu là Nguyễn Trung Thành, Cục chính trị  trung ương đảng: ông Kim Chi, quan lớn có bóng không có hình.
Nhưng tất cả những kẻ đứng đầu các tổ chức ngầm  đan chéo trên cũng chỉ là những chuyên viên của các bộ môn trong ngành mật vụ giúp việc cho trưởng ban tổ chức trung ương đảng Lê Đức Thọ mà thôi.
Nhiệm vụ của nó là thường xuyên theo dõi, giám sát  chặt chẽ các ủy viên trung ương đảng, thẩm tra các ủy viên Bộ chính trị, xem xét về mặt chính trị, tư tưởng của các cán bộ dự kiến bầu vào Ban  chấp hành trung ương đảng, Bộ chính trị, và kiện toàn bộ máy đảng, bộ máy nhà nước, tổ chức chỉ đạo quốc hội, các cơ quan nhà nước, tổ chức chỉ đạo các  đoàn thể ngoại vi như Mặt trận Tổ quốc, Ban tôn giáo; đặc biệt là kiểm soát, giám sát chặt chẽ quân đội từ Bộ quốc phòng, Bộ tổng tham mưu đến các  quân khu, sư đoàn, trung đoàn đều có Ban bảo vệ cục chính trị đặt dưới  quyền chỉ đạo của cục an ninh Bộ nội vụ.


Chính cục này theo lệnh của Thọ đã cho mật vụ giết  đại tướng Hoàng Văn Thái vào khoảng 1986, và năm sau lại giết đại tướng Lê Trọng Tấn, đồng thời bắt hàng loạt các sĩ quan cao cấp trong Bộ quốc phòng. Đó là  các đại tá Lê Minh Nghĩa, chánh văn phòng đại tá Đỗ Đức Kiên, cục trưởng cục tác chiến, đại tá Lê Trọng Nghĩa, cục trưởng cục quân báo vân vân... Họ  đã bị bắt trước khi Thọ cử Văn Tiến Dũng vào thay thế chỗ của tướng Hoàng Văn  Thái. Những việc này làm cho các tướng lãnh trong quân đội lo âu, các vị trong Ban chấp hành trung ương đảng thì hốt hoảng, bồn chồn.

Trong quân đội cộng sản, ngành an ninh rất quan trọng.
Nhiệm vụ của ngành bảo vệ là đảm bảo sự trung thành  tuyệt đối của các tướng lãnh sĩ quan trong quân đội đối với đảng, theo dõi, điều tra, phát hiện những 'đồng chí' không thông suốt với đường lối,  chủ trương của đảng. Quyền lực của ngành bảo vệ rất lớn, nghĩa là quyền sinh sát đối với sinh mạng chính trị các tướng lãnh. Lên voi xuống chó cũng do nó,  mà bản thân nó không hề thuộc hệ thống quân đội, không một chức phận  trong quân đội. Nó cũng không có chức vụ trong đảng, chính phủ, nhưng lại nắm thực quyền trong mọi lĩnh vực, chính trị, quân sự, ngoại giao, xã hội... Nó  là một tổ chức vô danh của những kẻ vô danh cấu kết với nhau trong bóng tối, sử dụng bạo lực dưới dạng khủng bố ngầm, trấn áp, núp sau cái bình  phong đảng, chính phủ, quốc hội, rút ruột, rút gan của dân, tài sản của đất nước ở nhiều mức độ, bằng nhiều phương pháp, qua nhiều hình thức khác nhau...

Quả thực, những cái tên như Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn  Đức Tâm, Nguyễn Trung Thành, Trần Quyết, Hoàng Thao, Nguyễn Đình Hưởng trong bao nhiêu năm qua, ngay đối với các ủy viên trung ương đảng cũng mù mịt  không mấy ai biết họ là ai, các công chức cao cấp của chính phủ, các tướng lãnh trong quân đội thì hoàn toàn mù tịt.
Thực ra, chúng là những tên mafia được Thọ "sáng tạo"  theo kiểu mới, siêu hơn cả mật vụ, dưới quyền điều khiển, chỉ đạo  của ông trùm mafia Lê Đức Thọ. Cái tên của ông không nổi bật như Tổng bí thư Lê  Duẩn, Trường Chinh, hay chủ tịch nhà nước Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Võ Chí Công, hoặc đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Võ Nguyên Giáp.
Vì thế, có lẽ nhiều người hiểu lầm, hoặc bị làm cho  hiểu lầm bởi nó là một thứ siêu quyền lực, một thứ vua không ngai, ngự trị trên tất cả, nằm trong lòng đảng, lớn mạnh dần trong bóng tối, chế tạo ra  đảng, dàn dựng ra chính phủ, quốc hội, toà án. Nói một cách chính xác, Ban tổ chức trung ương đảng là nơi ráp nối, kiến lập bộ máy đảng lẫn chính quyền.

Tìm hiểu về Ban tổ chức trung ương đảng, ta thấy từ  một cơ quan mang tính chất sự vụ, làm công việc thống kê cán bộ đảng với Lê Văn Lương. Trái lại, Ban tổ chức trung ương đảng trong tay Thọ nó nhanh chóng trở  thành một tổ chức mafia, để nuôi dưỡng một trung tâm quyền lực mới quy tụ những người thân tín với Thọ. Đây hẳn là một sự sáng tạo vĩ đại. Ai bảo cộng sản Việt Nam không có sáng kiến phát minh? Y kiểm soát trung ương đảng chặt  chẽ đến độ không có một giọt nước nào rớt vào trong đó.

Kỹ thuật: Khi các bộ phận rời ráp vào nhau phải vừa vặn khít khao như tay thợ mộc lành nghề đóng đồ, hay một kiến trúc sư  biết tổng hợp các vật liệu rời rạc thành một công trình xây dựng, như gỗ, gạch,  xi-măng, sắt thép thành một ngôi nhà. Nguyên vật liệu là những con người biến chế thành những khối thép, những đinh ốc, những bánh xe siết chặt lấy nhau  trong cái bộ máy cơ khí vô hồn, kẻ nào lệch lạc ra ngoài, lập tức bị nghiền nát ngay không thương tiếc, từ trên xuống dưới, các bộ phận tự  động kiểm soát lẫn nhau, và nhịp nhàng với cái hệ thống xã hội, mà mọi thành  phần được móc nối với nhau một cách chặt chẽ khăng khít vào các khuôn mẫu. Sát nhập các tư duy, các tác phong riêng rẽ vào một biểu tượng của một đường  lối chính trị, trong đó sự rèn luyện tư tưởng chiếm chỗ lớn nhất, tạo thành một căn bản của thể chế hiện hữu, mà giá trị duy nhất cần giành giữ là bảo  vệ đảng, tức nhóm mafia. Nhóm này chủ trương xây dựng nền chuyên chính của  đảng cộng sản bằng bạo lực và khủng bố, xây dựng quyền lực cá nhân quan liêu không giới hạn, đặt nền dân chủ và luật pháp xuống dưới chân họ, thay thế tôn  giáo bằng ý thức hệ vô thần, thúc đẩy đấu tranh giai cấp, kích động hận thù giai cấp bất tận.

Trong một guồng máy chế tạo phức tạp và rộng lớn như  vậy, người chỉ huy việc điều khiển, kiểm soát có nhiệm vụ trực tiếp thanh tra từng bộ phận một cách liên tục thường xuyên. Nhưng vấn đề đại cương vừa  kể trên cần phải có một sự kiểm soát chặt chẽ hữu hiệu để guồng máy có thể  hoạt động, và trong việc hoạch định những đầu mối phải ăn khớp với nhau, và  phải có một sợi dây xích đặc biệt để cột chặt tất cả vào một đầu mối.  Nghĩa là các đồ vật, vật liệu lắp ráp không thể tuột khỏi tay viên kỹ sư chế tạo ra  nó là trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ. Ông là vua của đảng, là  cha đẻ của các tổ chức công an, mật vụ. Thọ rất yêu quái, trong bộ chính trị, ông ta chẳng có thiện cảm với ai trừ Lê Duẩn, còn ác cảm thì hầu như cả  trong đảng lẫn chính quyền và quân đội. Ta nên hiểu đối với Lê Đức Thọ các phương tiện cần được sử dụng để đạt mục đích duy nhất là quyền lực cá nhân. Trong máu huyết của ông ta, có lẽ có một sự pha trộn giữa "gấu" và "sói" chứ  chả có tí hơi hướm người chút nào cả.


Cũng nên biết thêm rằng tổ chức của Thọ không chỉ  nắm lý lịch đảng viên, mà nó còn nắm cả cán bộ chính quyền từ cấp cao nhất  đến hạng thấp nhất theo hệ thống dọc xuyên suốt. Mọi cá nhân chỉ còn là một cơ  phận nhỏ trong guồng máy lớn. Cơ phận đó tốt, thì cả guồng mày hoạt động tốt. Những cơ phận này chỉ cần một cử chỉ khác thường, một tiếng than vãn, thì  liền bị ném ra ngoài ngay không thương tiếc. Nhiều người chống cộng khờ  khạo nghĩ rằng quyền quyết định của đảng là tối hậu, là tổng bí thư;  người ta quên rằng trên đảng, trên tổng bí thư còn có một vị hoàng đế nữa,  một lãnh tụ quyền uy tối thượng nữa, có quyền kỷ luật bất cứ ai, kể cả tổng bí thư đến các uỷ viên bộ chính trị, và là tác giả của nhiều chiến dịch quân  sự, và tranh đấu để thanh lọc nội bộ đảng là Lê Đức Thọ. Ông ta tuy không tuyên bố là hoàng đế, nhưng  uy danh của ông chẳng kém gì hoàng đế. Là trưởng ban  tổ chức trung ương đảng, Thọ có trách nhiệm cắt cử các vệ sĩ, các y sĩ, các nhân viên phục vụ  cho các yếu nhân cao cấp của đảng, nên Thọ dùng lính  cận vệ và tất cả nhân viên phục vụ này làm công cụ do thám. Nhưng, nhân viên  ấy không phải chỉ có việc báo cáo tình trạng sức khoẻ, mà còn bao gồm cả những hành vi, tư tưởng của các vị đó, qua hệ thống này các cán bộ chóp bu  đến các tướng lãnh cao cấp đều bị mật vụ của Thọ giám sát thường xuyên. Nhất cử nhất động, mật vụ đều ghi lại hết, dù việc lớn việc nhỏ đều phải  báo cáo cho Thọ để ghi vào hồ sơ. Do đó, Thọ nắm chắc trong tay vận mạng của họ,  không những vậy mà cả gia đình vợ con đều nằm trong tầm kiểm soát của Thọ, thí  dụ như trường hợp đại tướng Võ Nguyên Giáp có mấy đứa con học ở nước ngoài đều bị mật vụ của Thọ chiếu cố tận tình, như Võ Điên Biên học ở Đông  Đức, Võ Thị Hoà Bình học ở Ba Lan, Võ Thị Hồng Anh học ở Nga. Do những hệ luỵ này mà tướng Giáp phải trả giá quá đắt. Chúng ta cũng biết con gái của tổng bí thư Lê Duẩn là Lê Vũ Anh, học ở Nga, vì lấy viên sĩ hàn lâm học Maslov, mặc  dù đã có ba con với  nhau, vẫn bị mật vụ của Thọ giết chết một cách rất  thảm chỉ vì cái luật quái gở cấm các sinh viên không được lấy người nước  ngoài. Luật này không thành văn, mà chỉ là luật miệng giữa các lãnh tụ với nhau.
Mật vụ của Thọ như con bạch tuộc, có trăm ngàn cái  vòi, không chỉ cuộn chặt người trong nước, mà còn vươn vòi của nó ra cái cái  sứ quán nước ngoài...


Trên đây là sơ lược một số nét về con người được  giải thưởng Nobel hoà bình, người viết hy vọng sẽ phục vụ bạn đọc chuyện này ở một số cuốn sách khác. Vậy xin tạm đóng ngoặc ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét