Nhận diện các con buôn chính trị để củng cố cuộc đấu-tranh chống Cộng.


http://t3.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcRL61IWjD6RIAHRbkYhrXxez-63PbHwJ0HGwEXXuqPvmcEBDW4TuA
Đặc công Đỏ - Bùi Tín
Sau nhiều loạt bài viết về những thành phần chính-trị hoạt đầu, về các chính-khách thời-cơ và những kẻ trở cờ trong sinh hoạt đấu-tranh chống Cộng, chúng tôi được một số người hỏi rằng: Việc tìm hiểu và phân-tích ấy khá chính xác, nhưng phỏng có ích lợi gì cho đại cuộc trong tình thế hiện nay? Câu hỏi trên có thể cũng là ý-nghĩ chung của một số người, hàm chứa ý nghĩa của một sự trách cứ, vì theo họ, việc ấy có thể đưa đến sự hoang mang và làm nản lòng những người còn ít nhiều nhiệt tâm tranh đấu chống Cộng. Bởi vậy qua bài này, người viết trình bày về mục-đích của việc nhận-diện các nhóm hoạt-đầu chính-trị trên, hầu đưa ra trước dư luận sự đầu hàng hay thỏa hiệp với Nhà cầm quyền CSVN, xuyên qua đường lối và lập trường khá phức-tạp của họ mới đây. Công việc này sẽ giúp người ta nhìn rõ và đánh giá đúng mức các tổ-chức nhân danh là chống CS hiện nay để khỏi lầm lẫn và phí-phạm niềm tin như đã xảy ra từ mười mấy năm qua. Việc đánh giá sai lầm và ủng hộ những tổ chức bất-xứng sẽ hủy-hoại và giết chết niềm tin của chúng ta trong công cuộc đấu-tranh giải-phóng Đất Nước khỏi sự kiềm-chế của CS.
   Hơn ai hết những kẻ thời cơ và các con buôn chính-trị không dại gì nói thẳng với chúng ta rằng họ muốn đi đôi hoặc hợp tác với CS để mưu cầu cơm áo, lợi danh. Ngược lại nếu chưa đến lúc phải lộ diện, có thể họ còn tỏ ra hăng say, năng động và đáng tin hơn nhiều người QG khác. Do đó, sự phân biệt "kẻ chính, người tà" đòi hỏi một sự tìm tòi, nghiên-cứu, phân tích một cách tỉ-mỉ và công phu của những người quan tâm theo dõi tình thế. Để làm được công việc đó và để chứng minh được sự chính xác trong các nhận xét của mình, người ta phải dựa vào những yếu tố và các dữ-kiện đã xảy ra, kiểm chứng được và hiển nhiên không ai có thể chối cãi để làm chứng liệu cho mọi đánh giá của mình. Muốn tìm biết chủ tâm thật của họ, người nghiên-cứu và phân tích áp dụng các phương thức đại cương sau đây:
I-Căn cứ vào các nhân sự lãnh đạo các cấp của một tổ chức:
Bất cứ một phong trào, một đoàn-thể hay một tổ chức nào khi thành hình cũng đưa ra một số cương lĩnh, đường lối nhằm quảng bá với mọi người về chủ trương và chiều hướng hoạt động của mình. Những văn bản ấy thường rất dài dòng, phức tạp, nhưng nói chung chẳng ai dại gì nói thẳng và nói thật mục tiêu thật sự của những người đứng đầu tổ chức, bởi vậy việc tìm hiểu lập- trường nếu chỉ căn cứ vào các văn-kiện ấy là một sự phiếm-diện và rất dễ lầm lẫn. Quần chúng thường ít ai bỏ công nghiên cứu các văn bản này, mà thường nhìn vào các thành phần đứng đầu của tổ chức. Qua khả năng và uy-tín ít hay nhiều của họ, người ta sẽ kết luận là cơ cấu này đáng tin tưởng hay không. Thí dụ: Một đoàn thể mà ông chủ-tịch có thành tích tham nhũng, ông tổng thư-ký là người trốn lính thì chắc chắn không thể làm ai tin tưởng được. Dựa vào tâm lý ấy, một số đoàn thể đưa ra danh sách các nhân vật VN cũng như ngoại quốc trong vai trò lãnh đạo hoặc yểm trợ tổ chức mình để lôi kéo sự tham gia của quần chúng, nhưng thực chất là những người ấy nhiều khi không được hỏi ý kiến hoặc tham khảo trước khi  bị ghép tên vào tổ chức. Cũng có trường hợp họ được hội ý, nhưng lý do tham dự chỉ vì muốn được đứng chung với một số nhân vật tiếng tăm VN hoặc ngoại quốc, chứ chẳng hoạt động gì. Một số cơ cấu đã áp dụng phương thức này và phong cho mỗi hội viên một chức vụ hết sức to lớn như Phó Chủ-Tịch đặc trách vấn đề này hay bộ môn khác hoặc là Ủy-viên hay Tổng Bộ với chủ tâm làm quần chúng lầm tưởng rằng đây là một tổ chức quy mô và to tát hầu gây uy thế và tạo hấp-lực lôi kéo quần chúng vào đoàn thể mình. Với các tước hiệu và tên tuổi ấy, người ta đi quảng cáo từ lục địa này  sang lục địa khác để lừa dối người dân, bởi những người từ Hoa kỳ hoặc tại Úc Châu khó có  thể biết được ông A, bà B ở các nơi khác là ai nên vẫn đinh ninh rằng đây là những nhân vật tài năng quảng-bác, nên sẵn sàng tham gia để được có danh-xưng và vai vế. Thực tế là các đoàn thể này không có hội viên mà mỗi người đều nắm toàn chức tước và những tổ chức ấy chỉ nhằm có số đông, nên họ lôi kéo bất cứ ai, kết nạp nhân sự từ hàng chục khuynh hướng dị-biệt hoặc chống báng lẫn nhau thì không cần phải là người sâu sắc, ta cũng thấy ngay rằng họ sẽ chẳng làm được gì. Các đoàn thể kiểu ấy, nếu chỉ thành lập để lấy danh hay sử dụng vào việc áp-phe thì còn ít đổ vỡ, chứ nếu thực sự hoạt động đấu tranh thì, nhất định hàng chục khuynh hướng và lập trường đối nghịch trong nội bộ của cơ cấu ấy tại mỗi địa phương sẽ xung đột và hiềm khích với nhau, khiến cộng đồng ngày càng tan nát thêm mà thôi.

      Vấn đề uy-tín, quá khứ và lập trường đấu tranh cũng chỉ là một vấn đề hết sức tương đối, bởi những năm tháng vừa qua cũng cho chúng ta thấy sự đổi chiều hết sức mau lẹ của một số các thủ lãnh trong cộng đồng người Việt hải-ngoại ở các nơi, nhất là sau khi Mỹ bỏ việc phong tỏa mậu dịch đối với VNCS. Những người chống cộng quyết liệt cách đây chỉ một năm, ngày nay đã trở thành kẻ chạy theo các con bài của đối phương và bào chữa cho thái độ ấy là "kỹ-thuật đấu tranh trong tình hình mới". Bởi vậy, muốn hiểu về đường hướng của các nhân vật hoặc tổ chức trên, chúng ta phải chú tâm theo dõi sự chuyển biến của họ trong từng giai đoạn, phải cập-nhật-hóa sự hiểu biết của mình một cách cẩn trọng và thường xuyên. Trên thực tế, ít ai có thì giờ và cơ hội để theo sát những hoạt động của các đối tượng trên. Làm công tác truyền thông, chúng tôi nhận lấy trách vụ ấy, để cung cấp cho mọi người những dữ kiện chính xác nhất; đồng thời báo động với cộng đồng hầu mọi người có thêm yếu tố để đánh giá các cá nhân hoặc tổ chức nói trên.
II – Tìm biết về những giao tiếp và liên hệ giữa cá nhân và tổ chức:
       Sự giao tiếp giữa người đứng đầu các tổ chức với những khuynh hướng có lập trường đối nghịch hoặc thiên tả cũng là điều chúng ta cần để ý vì sự liên-lạc này, nếu có, sẽ chỉ xảy ra trong bóng tối hoặc có tính cách riêng tư và ít ai biết tới. Ngoài ra, một số tổ chức, ngoài mặt do một số người có ít nhiều uy-tín chỉ huy, nhưng thực tế là được giật dây, lèo lái bởi những kẻ đáng ngại khác nằm sâu trong bóng tối. Muốn đánh giá đúng mức mục tiêu của họ, ta phải biết những kẻ thật sự chi phối các khuynh hướng đó là ai, trước kia thuộc thành phần nào và hiện nay chỗ đứng và quan điểm của họ ra sao?. Để lấy lòng quần chúng, một số đoàn thể đấu tranh cũng lớn tiếng chỉ trích hoặc lên án các kẻ muốn bắt tay với đối phương, nhưng cùng lúc ấy, họ vẫn liên lạc và giao tiếp ngầm với những người mình vừa lên án. Một số tổ chức khôn khéo và kín đáo hơn nên không trực tiếp liên hệ với các thành phần dính líu với đối phương, nhưng cho tay chân hay các đoàn thể ngoại-vi của mình sinh hoạt với những nhóm thiên tả để vừa có chân đứng ở phía bên kia, vừa đỡ bị mọi người nghi ngờ hoặc tai tiếng. Những cuộc gặp gỡ riêng tư giữa các thủ lãnh mang danh chống Cộng và các khuynh huớng thân Cộng, nếu không chủ-tâm theo dõi, thì làm sao người ta có thể khám phá ra? Cộng đồng và quần chúng ở xa làm thế nào để biết được các sự việc lạ đời và gian khuất trên? Do đó, câu hỏi được đặt ra là: Người làm báo chống Cộng có nên nói hoặc có nhiệm vụ nói lên sự thật đó không?. Sự nhắm mắt làm ngơ hoặc yên lặng trước sự việc ấy vì ngại bị hiềm khích hoặc sợ mất đoàn kết, đáng khen hay cần phải lên án? Người làm báo không phải muốn viết gì cũng được, muốn nói sai hay đúng gì cũng xong. Luật pháp không hề dành cho người cầm bút đặc ân ấy. Biết rằng người ta đang dẫn đoàn quân đi vào bãi mìn bẫy của đối phương mà vẫn nhắm mắt làm ngơ để họ đi vào chỗ chết là thái độ đồng lõa với kẻ sát nhân. Trong cuộc đấu tranh rất chênh lệch về thế lực với CS hiện nay, chúng ta không còn thời giờ để thử thách nữa, bởi số người còn giữ được tinh thần đấu tranh quyết liệt chẳng còn lại bao nhiêu, nên chúng ta không thể để cho niềm tin của họ bị lợi dụng hoặc bị lừa dối thêm nữa và mỗi ngày chúng ta lại mất đi thêm "những người còn tâm huyết" còn sót lại sau gần 20 năm mòn mỏi đấu tranh!. Sau mỗi lần bị lừa gạt, số người bỏ cuộc mỗi tăng. Bởi vậy, bổn phận của mỗi người là nếu không ngăn được kẻ lừa đảo thì ít ra cũng phải báo động về những nguy cơ sắp xảy đến để những người liên hệ cảnh giác hầu tránh rơi vào cạm bẫy làm hao hụt thêm niềm tin hiếm hoi và trân quý của chúng ta.
III.Nghiên-cứu và phân-tích tài-liệu và quan điểm của các tổ chức:
Xuyên qua các cuộc thuyết trình và các bài quan điểm trên các nội san của các đảng, đoàn, về những vấn đề thời sự, chúng ta cũng hiểu được ít nhiều về đường lối của những người đứng đầu các tổ chức vì, dù khôn khéo tới đâu, họ cũng khó có thể che dấu hết được quan-điểm thật của mình khi nhận định về những diễn tiến ấy. Dễ biết hơn cả là nghiên cứu các tài liệu học tập nội bộ của tổ chức, vì chủ trương của họ thể hiện rõ ràng nhất trong các tài liệu và văn bản này. Từ các dữ kiện ấy, chúng ta so sánh với quan điểm về cùng một vấn đề từ các phe cánh của đối phương để tìm những điểm trùng hợp hoặc đồng dạng hầu suy nghĩ xem sự ăn khớp kia có phát xuất từ những liên hệ thầm kín nào không?

   Ngoài ra, qua các cuộc hội thảo, phỏng vấn hoặc tranh luận cũng là dịp để người muốn tìm hiểu, biết được khả năng và đường lối hoạt động của các đảng, đoàn, trong môi trường đấu tranh từ mười mấy năm nay. Theo dõi tin tức và những bài phóng sự hay tường thuật trên các tạp chí ở khắp nơi, người làm báo có nhiều cơ hội nắm được chủ trương và biết được mỗi tổ chức thuộc khuynh hướng nào và chịu ảnh hưởng của ai. Bởi vậy, báo chí gom được nhiều dữ kiện thuận lợi giúp họ dễ đưa ra những nhận xét chính xác về các tổ chức hơn. Với cuộc sống bận rộn hiện nay, quần chúng, dù có quan tâm tới cuộc đấu tranh, thực tế, ít ai có thời giờ để tìm hiểu và theo dõi lập trường của hàng trăm đoàn thể, đảng đoàn đang sinh hoạt ở khắp nơi. Chính vì sự mù mờ ấy, họ rất dễ bị lôi kéo vào các cơ cấu có lập trường khuynh tả có hại cho nỗ lực triệt tiêu chế độ CS tại VN.
IV- Sự lăn lộn và trao đổi tin tức giữa những người làm báo với nhau:
Người làm báo có thể có mặt trong sinh hoạt của mỗi đoàn thể, dù họ không chính thức được mời và hơn nữa, có thể xin được các tài liệu, cương lĩnh và tuyên ngôn của nhiều khuynh hướng khác nhau, vì thật ra, tổ chức nào cũng muốn có sự hậu thuẫn ít nhiều của giới truyền thông để mở rộng ảnh hưởng của đoàn thể mình. Nói đúng hơn, họ gom được nhiều dữ kiện đáng tin cậy của nhiều tổ chức ở khắp nơi. Ngoài ra, trong lãnh vực chuyên môn của mình, họ có thể trao đổi tài liệu, sách báo, tin tức về các khuynh hướng đấu tranh với bạn bè, đồng nghiệp ở mỗi địa phương, nhật-tu những tin tức mới nhất nhằm đánh giá sát với thực tế về mỗi biến chuyển xảy ra liên quan đến từng tổ chức.

Tuy nhiên, trong lãnh vực báo chí cũng còn chia ra làm nhiều bộ môn chuyên biệt khác nhau. Có người chỉ tường thuật, viết phóng sự và ghi nhận những tin tức đã xảy đến. Người khác lại gom tất cả các sự kiện ấy để suy nghĩ, phân tích, bình luận và rút ra những kết luận về những việc đang diễn ra và dự trù cho các sự việc sắp tới. Vai trò của người phân tích và bình luận đòi hỏi một sự phán đoán nghiêm chỉnh, vô tư; một nhận định sắc bén và một sự tổng hợp vững vàng dựa trên các sự kiện có liên đới với nhau để mọi người nhìn ra được những ẩn số của vấn đề. Đây là một công việc rất khó khăn, vì nó đòi hỏi người viết đặt trách nhiệm vào từng nhận xét và vào mỗi chữ viết của mình, bởi nếu không, bài bình luận trên sẽ trở thành những lời khen nhảm hoặc sự phê phán với nhiều ác ý. Để giữ tính cách khách quan cho ngòi bút của mình người đảm trách công tác trên, không nên đứng trong một đoàn thể nào mà phải là người hỗ trợ nỗ lực đấu tranh của mọi tổ chức nhằm giải thể CS tại VN. Nếu không, việc phê phán dù có trung thực tới đâu, người ta có thể vẫn nghĩ rằng người viết cố ý triệt hạ các khuynh hướng khác để tổ chức của mình chiếm vị thế độc tôn hoặc nổi bật hơn các đoàn thể kia.
V- Lý do của sự trở cờ và sự ươn  hèn của một số nhân-sĩ và trí-thức:
Trong nhiều cuộc truyện trò và hàn huyên với các tầng lớp dân chúng trong những môi trường khác nhau tại nhiều nơi, một số người nêu thắc mắc với chúng tôi là: Những người có tiếng tăm, vai vế hoặc nhiều người bằng cấp rất cao và có kiến thức; lẽ ra họ phải hiểu về sự gian manh, tàn ác của CS hơn những người khác, tại sao trong mấy năm gần đây, họ lại mon men đến gần VC để thừa cơ xin hợp tác với bọn sát nhân, trong khi bọn đó không thèm đếm xỉa gì đến các ông? Những người nêu vấn nạn trên thú thật rằng họ nghĩ mãi, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân nào được coi là hợp lý.

     Thật ra, câu trả lời thật đơn giản: Cũng con người ấy, cũng cá tính và bản chất ấy, nhưng nếu họ ít học và kém vai vế hơn thì chắc chắn họ sẽ không trở cờ, vì một kẻ ít học, vô danh có đầu hàng và quy phục đối phương thì, trong thâm tâm, họ cũng biết rằng mình chẳng được kẻ thù đếm xỉa, nên tất nhiên cũng chẳng đem lại lợi ích gì cho bản thân. Một kẻ trí thức, có tiếng tăm, nằm ngoài vòng cương tỏa của VC mà tự nguyện "đầu hàng giai cấp lao động" thì đương nhiên là một hiện tượng hiếm hoi và là một lợi khí tuyên truyền cho CS. Nghĩ như vậy nên một số người khoa bảng hoặc những vị cựu lãnh đạo VNCH kia mới đánh tiếng xin về với đối phương vì hy vọng rằng VC sẽ dùng họ vào một chức vụ xứng đáng, ít nhất cũng trong một thời gian còn hơn là tiếp tục quãng đời vô vị và bị mọi người lãng quên như hiện nay. Lợi và danh đã khiến cho những người này lóa mắt!.

    Hơn nữa người trí-thức và các kẻ có vai vế ấy sống sung-sướng quen, nhưng chịu khổ không quen. Sức chịu đựng không được tôi-luyện, nên họ thường buông xuôi và dễ đầu hàng trước nghịch cảnh. Trong lao tù VC, những người can trường, dám đứng thẳng và giữ được khí phách thường không là những kẻ nằm trong hàng ngũ những người trí-thức và chức tước nói trên. Ngại khó, sợ khổ nhưng lại muốn ăn trên, ngồi trốc nên họ có quy hàng bạo lực để được ưu đãi hơn; cũng là điều không đáng làm chúng ta ngạc nhiên. Lớp sĩ-phu tuẫn-tiết khi không giữ được thành, những người có trách nhiệm "chăn dân" tự xử khi nước mất vào tay địch, bây giờ không còn bao nhiêu nữa! Cuộc đấu tranh cho Tự-Do, Dân-Chủ và Công-Lý hiện nay thành hay bại là trách nhiệm của chính chúng ta, những người lương dân còn ít nhiều nghĩa khí!. Đừng trách móc, đừng trông đợi bất cứ ai, mỗi người phải tự mình kiên-trì làm lấy, để thấy xứng đáng khi tự xưng mình là con cháu của các Bậc Tiền Nhân đã hiên ngang chiến đấu trong suốt chiều dài Lịch-Sử oai hùng của Đất Nước! .
VI- Tìm biết sự thật để cảnh-giác và báo động với quần-chúng:
Người ta vẫn nghĩ rằng trong tập thể người Quốc-Gia, chúng ta nên cư xử theo quan niệm "Đẹp tốt khoe ra, xấu xa đậy lại" vì ngại mọi người thấy được cái không hay của hàng ngũ mình. Việc "đóng cửa để bảo nhau" tránh  thái độ "vạch áo cho người xem lưng" ấy, từ 19 năm qua đã bị người ta lợi dụng để mỗi ngày sự xấu-xa một bành trướng và trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này vẫn kéo dài khiến người ta nhận ra rằng đó chính là một hình thức khuyến khích và nuôi dưỡng "những kẻ có ý lợi dụng" mặc tình thao túng và phá vỡ cuộc đấu tranh của tập thể chúng ta. Để thay đổi hiện tượng đáng buồn đó, việc nói lên sự thật để những kẻ liên đới chùn chân hoặc sửa chữa là một điều cần thiết và bắt buộc. Sự việc ấy còn giúp cho quần chúng và nhất là các thành viên của tổ chức nhìn thấy rõ được vấn đề để xét lại xem có nên tiếp tục sinh hoạt dưới bảng hiệu của các đoàn thể bất xứng đó để nhiệt tâm và thiện chí của mình bị lợi dụng cho các mưu đồ bất chính nữa hay không. Đó là sự can đảm và là bổn phận của những người biết sự thật và có lương tâm. Người ta coi đó là việc phải làm, nhưng người ta còn đòi hỏi người làm công tác truyền thông phải đưa ra các phương thức hầu quy-tụ được các thành phần QG và phác họa kế hoạch hoạt động chung cho nỗ lực đấu tranh nhằm giải phóng Đất Nước. Đây là sự mong đợi vượt quá tầm tay của người làm báo và nằm ngoài khả năng của cả những tổ chức lớn nhất trong tập thể người Việt QG hiện nay. Nhiều nỗ lực theo chiều hướng trên đã được thử nghiệm suốt mười mấy năm qua đều không đi đến kết quả nào thực tiễn!.

         Lý do là sự thiếu đồng nhất trong mục tiêu đấu tranh vì thực tế là một số tổ chức không thật sự muốn triệt tiêu chế độ CS tại VN mà họ chỉ muốn CS yếu đi và chúng chịu hợp tác với họ mà thôi! Lý do?. Vì hơn ai hết, họ hiểu rằng nếu CS sụp đổ, với thế lực không đáng kể của mình, họ nhất định sẽ không có chân đứng trong guồng máy chính quyền sau này ở VN. Những người đứng đầu mỗi tổ chức đều nuôi dưỡng những tham vọng riêng, bởi vậy, mục tiêu chung và sự đồng nhất chưa thể thực hiện được. Việc "phối- hợp" hoạt động chỉ có thể thành tựu khi những người đứng đầu các đoàn thể từ bỏ được những tham vọng của cá nhân và của phe cánh để hiểu rằng VC không thể đứng vững lâu hơn được nữa và sự hợp tác giữa các tổ chức người QG cùng  với ý-thức đấu-tranh của ngừơi dân tại Quốc-Nội đủ sức quật ngã đối phương.
VII - Kết-Luận:
        Qua sự phức tạp và thực trạng hỗn mang hiện nay,với tư cách của người làm công tác truyền thông, chúng tôi bắt buộc phải vạch rõ những thực tế đớn đau trên để mọi người cùng suy nghĩ, để từ đấy mỗi người tự tìm lấy một thái độ hợp lý nhất cho chính mình nhằm đưa cuộc đấu tranh thoát khỏi những bế tắc hiện nay hầu mở đường cho việc lật đổ CS và quang-phục Đất Nước. Đó là ước vọng của người viết và cũng là câu trả lời cho những vấn nạn của một số người về các loạt bài trên báo chí Việt-Ngữ mới đây của chúng tôi.

 Thế - Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét